Friday, October 7, 2011

Ông chủ Seven A.M

Ông chủ Seven A.M.: ‘Chứng khoán suýt giết chết tôi’

Không chỉ nổi tiếng với những vai đầu gấu trên màn ảnh, Hải Anh còn là ông chủ của hệ thống cửa hàng thời trang Seven A.M. Để có được ngày hôm nay, ít người biết rằng anh từng sống dở chết dở vì chứng khoán và những nước cờ thiếu kinh nghiệm.

Vinh - nhục đều từ chứng khoán

- Được biết anh từng có một thời rất oai phong, lẫm liệt với cổ phiếu?

- Đúng thế! Cách đây 3, 4 năm, khi thị trường chứng khoán Việt Nam hưng thịnh, tôi cũng như bao người khác, dồn tất cả tiền bạc vào cổ phiếu, chơi những cú được ăn cả ngã về không. Hồi đó, ngày ngày, tôi chăm chú theo dõi tấm bảng điện tử để xem xanh đỏ như thế nào. Nói là chơi cờ bạc thì không đúng nhưng thực sự, cổ phiếu giống như một canh bạc. Lúc đó khoản lợi nhuận khổng lồ đã khiến tôi mờ mắt. Đã có lúc tôi nghĩ mình là thiên tài vì kiếm tiền nhanh quá. Chỉ sau một đêm đã lãi được hàng tỷ đồng.

- Thời điểm đó có không ít người “chết đi sống lại” vì cổ phiếu…

- Tôi cũng vậy thôi, sau chiến thắng là… chiến bại! (Cười) Hôm qua lãi 10% số tiền đầu tư thì ngày mai có khả năng lỗ 10% rồi 20% hay nhiều hơn thế chỉ trong chớp mắt. Nhưng tôi gan lỳ, lỗ tới 90 rồi 95% mà vẫn nhất định “ôm” với hy vọng ngày mai, vận may sẽ mỉm cười với mình.

Cuối cùng, mọi chuyện nằm ngoài dự tính của tôi hoàn toàn. Thất bại lần đó thực sự đã dồn tôi vào chân tường, tiền vốn cạn kiệt sạch, chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Lúc đó tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều. Ở cái tuổi 35, 36, tôi không thể lại tiếp tục đi làm thuê kiếm 5 hay 10 triệu một tháng. Người hiểu thì có thể trả lương mình cao hơn một chút nhưng người không hiểu thì sẽ nói mình là thằng nghệ sĩ lông bông, chẳng làm được gì. Thế nên tôi quyết định lại bước chân vào con đường kinh doanh.

Ông chủ Seven A.M.: ‘Chứng khoán suýt giết chết tôi’

- Vậy tại sao anh quyết định chọn thời trang mà không phải ô tô hay điện thoại hoặc bất động sản, những thứ đó sinh lãi nhanh hơn thời trang?

- Tôi đã cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định. Cuối cùng tôi vẫn chọn thời trang vì đó là thứ tôi đã có một thời gian dài gắn bó và đã hiểu rõ mọi ngóc ngách trong nghề.

- Con đường tìm lại vinh quang hẳn rất gập ghềnh?

- Ở đường cùng, ý chí vươn lên của con người cực kỳ mạnh mẽ. Tôi giống như người sắp chết đuối, cố gắng vùng vẫy để tìm đường sống. Ở thời điểm đó tôi bỏ hết những gì râu ria, những gì mang tính chất giải trí để dồn tất thời gian cho công việc. Suốt một thời gian dài, tôi không biết bạn bè, "cà-phê cà pháo" hay nhậu nhẹt là gì. Tôi làm việc quần quật từ 16 đến 18 tiếng trong một ngày với quyết tâm tìm lại đường sống cho mình.

Ông chủ Seven A.M.: ‘Chứng khoán suýt giết chết tôi’

Phải biết đi làm thuê

- Ở thời đại bùng nổ này, nhiều bạn trẻ vừa ra trường đã mở công ty với tham vọng làm chủ chứ không chịu làm thuê. Anh nghĩ gì về trào lưu này?

- Đó không hẳn là quyết định sáng suốt. Theo quan điểm của tôi, chỉ có khoảng 1% trong số những bạn trẻ đó thành công. Đó chắc chắn là những người xuất sắc, những tinh tú của giới kinh doanh. 99% còn lại là “sập tiệm”. Mới tốt nghiệp, các bạn trẻ nên đi làm thuê trước. Khi đã có kinh nghiệm rồi thì hãy quyết định xem mình sẽ làm cái gì, kinh doanh cái gì. Không nên thấy mọi người làm cái này cái kia thì mình a dua làm theo.

- Nhưng mỗi lần vấp ngã cũng đem lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý giá mà?

- Đúng nhưng ở cái tuổi còn trẻ, vốn liếng chưa có nhiều, vấp ngã sẽ làm các bạn cụt vốn. Từ đó dễ nảy sinh tâm lý chán nản, sai một ly đi ngàn dặm. Theo tôi, làm thuê là cách tốt nhất chúng ta hiểu rõ những ngóc ngách, tránh mắc phải sai lầm của các hãng trước đó, giảm bớt được “học phí”. Bản thân tôi cũng từng bôn ba làm thuê hàng chục năm ở Nga, Ukraina và Việt Nam rồi mới dám tách ra làm riêng. Có những người sinh ra là làm chủ ngay nhưng có những người như mình thì sinh ra để làm thuê, rồi nhờ quá trình tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng để trở thành người chủ sau này.

Hơn sáu năm làm thuê trong ngành thời trang, tôi đã ngồi ở những vị trí chủ chốt của các hãng thời trang lớn nên khi “ra riêng” xây dựng Seven A.M., tôi mới không “dính” phải những sai lầm mà các hãng trước đó đã mắc phải.

Ông chủ Seven A.M.: ‘Chứng khoán suýt giết chết tôi’

- Nhiều bạn trẻ vừa thất bại ở việc kinh doanh thời trang đã “nhảy” sang kinh doanh thứ khác. Đó có phải lựa chọn khôn ngoan?

- Không hề! Tỷ lệ thành công của những người thích “nhảy” như thế chắc chỉ xấp xỉ 1 – 2% mà thôi. Bạn nên biết rằng khi chuyển sang lĩnh vực khác, bạn sẽ phải học hỏi lại từ đầu, phải “đóng thêm” một khoản học phí không nhỏ khác. Từ đó, tốc độ cụt vốn càng nhanh. Mọi chuyện càng khó khăn hơn.

Thêm vào đó, các bạn cũng không nên quá ham hố kinh doanh đa ngành đa nghề. Cứ nhìn vào Lehman Brothers thì rõ, đế chế tài chính hơn 100 năm mà cũng có ngày sụp đổ đấy thôi? Chúng ta không thể chạy theo cách làm của các tập đoàn lớn ngay được, phải đứng vững ở một lĩnh vực nào đó rồi mới tìm kiếm ở những lĩnh vực khác. Chậm mà chắc là tốt nhất!

Seven A.M được diễn viên Hải Anh “sinh hạ” vào ngày 1/4/2009. Từ một cửa hàng nho nhỏ, xinh xinh, tới nay, Hải Anh đã có một hệ thống với 10 cửa hàng trên toàn quốc. Anh chia sẻ: “Đừng nghĩ chỉ có Hà Nội hay TP.HCM mới bán tốt thời trang cao cấp. Chính những khách hàng ở các thành phố nhỏ còn “sành điệu" hơn các thành phố lớn nhiều”.

Lâm Anh

Theo Bưu Điện Việt Nam