Tuesday, August 4, 2009

Cuộc quần tụ của nhân tài

(TuanVietNam) - Cơ chế góp phần tạo cơ hội cho người tài tỏa sáng nhưng chính họ cũng phải tự mình tìm được cơ chế, xây dựng cơ chế. Người tài như cái kim trong bọc, họ phải lộ mũi nhọn của mình ra chứ không nên trông chờ người khác kéo ra.
Cách đây 222 năm, nước Mỹ chứng kiến một cuộc hội ngộ lịch sử của những nhân vật kiệt xuất mà Thomas Jefferson, người sau này là Tổng thống thứ ba với 2 nhiệm kỳ của nước Mỹ gọi là "cuộc quần tụ những người con của thánh thần”. Sự hội tụ đó đã cho ra đời bản Hiến pháp Mỹ. Chính thế hệ của họ & những tư tưởng của họ đã tạo nền móng phát triển cho đất nước Hoa Kỳ trong suốt chiều dài hơn 200 năm lịch sử.
- Tại sao ở một thời điểm, nước Mỹ lại có sự hội tụ đông đủ của nhiều nhân vật kiệt xuất - "những người con của thánh thần”?
Cần nhiều yếu tố để hình thành sự hội tụ của nhân tài: năng lực bản thân, môi trường bên ngoài, sự thống nhất về trí tuệ và tinh thần, sự đoàn kết và nhu cầu của thời đại… Ở thời điểm hội tụ "những người con của thánh thần" đó, nước Mỹ trải qua một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt. Nước Mỹ khi đó có môi trường, người dân Mỹ có động lực, có khao khát giành quyền độc lập, tự quyết cho mình nhưng đồng thời họ cũng khao khát một chính quyền chung, một chính quyền vững mạnh, có thể bảo vệ họ và giúp họ thịnh vượng.
Hiện nay, tôi đang đọc cuốn sách Những kẻ xuất chúng của Malcolm Gladwell. Cuốn sách có thể giúp lý giải phần nào về sự hội tụ này. Ví dụ như câu chuyện các tỉ phú và những ông tổ của ngành IT thế giới: Bill Gates sinh năm 1955, Paul Allen - 1953, Steve Jobs - 1956, Eric Schmidt, CEO của Google -1955, Steve Ballmer, Chủ tịch hiện nay của Microsoft – 1956... Tại sao lứa đó lại sinh ra trong giai đoạn 1954-1956? Hay câu chuyện về 75 người giàu nhất trong lịch sử hàng ngàn năm của thế giới ở tất cả quốc gia, có 12 người là người Mỹ chiếm tới gần 20%, sinh ra trong thập niên 1830: Rockefeller-1939, Andrew Carnegie 1835, đến Jay Gould – 1836; J.P Morgan 1837... Tại sao?
Cũng tương tự ở VN, có thời kỳ, đất nước Việt Nam đã tạo ra một thế hệ trí thức mà tôi gọi là “những ngôi sao sáng trên bầu trời VN” những năm 1940: Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Đình Hòe, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu… hay Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng… (thế hệ sinh ra vào những năm 1908-1912)
- Như vậy có vẻ như "thời thế" góp phần vào việc tạo ra sự hội tụ của nhiều nhân tài. Vậy ta có thể tạo ra “thời thế” thích hợp để nhân tài xuất hiện và hội tụ?
Nếu hiện nay chúng ta cần nhân tài mà đến bây giờ mới bàn tới điều kiện thì quá muộn. Muốn có sự hội tụ, các yếu tố cần phải được tích tụ từ cách đây 10 – 20 năm trước. Không thể làm ngay một điều gì đó để có được sự hội tụ nhanh chóng và dễ dàng.
Câu chuyện đơn giản hơn nếu tìm hiểu thêm về cuộc cách mạng công nghệ thông tin và máy tính được đánh dấu vào thời điểm tháng Giêng năm 1975, khi chiếc máy tính đầu tiên là Altair 8800 ra đời. Chính nhờ sự kiện đó mà thế hệ những người khoảng 18-20 tuổi khi đó có thể thành công, đó là thế hệ sinh những năm 1955-1956 như Bill Gates. Tôi tin rằng thế hệ nào được hưởng lợi nhiều nhất (cũng là thế hệ chịu ảnh hưởng nhất) từ những sự kiện quan trọng, từ những trào lưu mới, từ những dòng chảy âm ỉ bên trong xã hội sẽ là thế hệ hội tụ mà chúng ta đang nói tới.
Người tài cũng như cái kim trong bọc, họ phải lộ mũi nhọn của họ ra chứ không chờ người khác kéo ra. Ảnh: timeday.org
- Từ các "phẩm chất" nói chung của "những người con của thánh thần", anh có thể đưa ra lời bàn về phẩm chất của những người tài góp phần quan trọng tạo ra sự thay đổi?
Tôi nghĩ phải có 3 điều kiện. Trước hết là họ phải có tri thức. "Những người con của thánh thần" thông tuệ về nhà nước Hy Lạp, La Mã, về những thành bang cổ xưa của châu Âu để lấy đó làm bài học, làm nền tảng cho việc xây dựng nhà nước Mỹ. Họ cũng uyên thâm về luật, về lý thuyết chính trị và về con người.
Thứ hai là phải có tiềm lực kinh tế. Họ không nhất thiết phải là doanh nhân, nhưng cũng không phải “không-là-doanh-nhân”. Những người tham gia soạn Hiến pháp Mỹ đều là những người giàu. Khi giàu, họ có khả năng dành thời gian, công sức và tiền bạc để đóng góp cho đất nước. Họ không bị những mối bận tâm hàng ngày quá chi phối, họ cũng khó bị tiền bạc mua chuộc. Họ đã tham dự cuộc họp hàng tháng trời mà không phải lo lắng đắn đo về đời sống kinh tế riêng. Với những người quá nghèo, khi bỏ phiếu rất dễ bị mua chuộc. Một quan điểm rất hay của Gouverneur Morris là ‘Những người giàu cần một chính quyền mạnh, công bằng… không kém gì người nghèo thậm chí có thể còn cần hơn những người nghèo’.
Thứ ba là những người này phải có ý chí, bản lĩnh, nếu thiếu động lực và khao khát làm điều tốt thì những điều trên dù có cũng là vô ích.
Tôi phản đối những người "đổ tại" nhà nước
Mời xem bài cùng chủ đề:
Tìm người tài để giao việc
Bao giờ giải được bài toán “đặt người tài đúng chỗ”?
Bàn về nhân tài thời toàn cầu hoá
- Người ta vẫn tin rằng ở VN không thiếu người tài. Người tài vẫn ở đâu đó, hoạt động trong một lĩnh vực nào đó. Nhưng câu hỏi là để những người đó cùng xuất hiện, bộc lộ khao khát và cùng hành động, vì sự phát triển chung của dân tộc, thường đòi hỏi một cơ chế, lãnh đạo phải tạo ra để họ xuất hiện?
Tôi lại nghĩ chúng ta quá thiếu người tài. Có nhiều người cứ tưởng là mình tài nhưng đó không phải là người tài. Cá nhân tôi nghĩ, người tài tự mình phải tìm được cơ chế, xây dựng cơ chế, tự phải xuất hiện chứ không thể trông chờ. Người tài cũng như cái kim trong bọc, họ phải lộ mũi nhọn của họ ra chứ không chờ người khác kéo ra. Họ cũng ‘giống như những cô gái Pháp, càu nhàu và bới móc người khác, để rồi cứ tự cho mình là đúng’, tự cho mình là tài.
Trước đây, tôi cũng từng cho là do cơ chế, nhưng khi trưởng thành hơn tôi nghĩ không phải vậy. Cơ chế là do con người sinh ra, những người giỏi là phải biết vượt qua cơ chế, tỏa sáng ngay cả trong cơ chế hiện nay thì rồi mới tạo ra cơ chế mới cho mình. Tôi phản đối những người "đổ tại" nhà nước. Đơn giản như trong tổ chức, doanh nghiệp, John Maxwell đã chỉ dẫn trong cuốn Nhà lãnh đạo 3600­, anh có thể đứng ở bất kỳ đâu trong tổ chức cũng có thể đóng góp vào sự thay đổi của tổ chức.
- Nhưng xã hội vẫn có quyền đòi hỏi một môi trường cởi mở hơn, để những người thực sự chưa phải là xuất chúng, có khả năng thăng tiến và bộc lộ mình.
Có thể coi đội ngũ nhân lực như một kim tự tháp - tầng lớp trên đỉnh, tầng lớp giữa và tầng dưới cùng. Những người ở dưới có thể họ cần được tạo ra một cơ chế. Nhưng để biến chuyển được xã hội thì phải do "tầng elite"…
Mô hình những người quan chức - trí thức – doanh nhân kiểu mới, là những quan chức có kiến thức vững vàng, có năng lực điều hành như những doanh nhân, họ dám hành động và biết hành động đúng. Tầng lớp người tài đó phải tự sáng tạo ra mình, họ góp phần tạo ra môi trường, thời thế cho mình. Cơ chế có thể góp phần tạo cơ hội cho người tài "tỏa sáng" và người tài cũng không nên trông chờ mà cần góp phần tạo ra cơ chế. Đó là mối quan hệ tương quan.
Tôn trọng những ý kiến khác biệt
- Nói về sự tranh cãi, cũng cần phải nói rằng trong Hội nghị Lập hiến của Mỹ đã có những bất đồng quan điểm sâu sắc. Nhưng cuối cùng họ vẫn đi đến được một sự thống nhất tốt đẹp. Đó là nhờ đâu?
Thứ nhất là nhờ sự có mặt của những cá nhân xuất chúng, có uy tín lớn. Ví dụ như Washington. Ông giữ vị trí chủ tịch Hội nghị, không tham gia thảo luận, nhưng lắng nghe mọi ý kiến, để cho mọi người cùng tranh luận. Sự có mặt của ông đã phần nào đảm bảo sự thành công của Hội nghị, đảm bảo Hội nghị diễn ra tốt đẹp. Hay như Benjamin Franklin – khi đó đã hơn 80 tuổi. Ông có bài diễn văn trong lễ kí kết Hiến pháp rất cảm động. “Những lời nói sinh ra trong bức tường này rồi cũng sẽ chết trong bức tường này...”.
Thứ hai, sự tranh luận dựa trên văn hóa triết lý của người Hy Lạp, La Mã, văn minh phương Tây cổ đại – tôn trọng những ý kiến trái chiều nhau. Điều đó như ngấm vào máu của họ rồi. Họ tranh đấu với nhau đến cùng nhưng không tiêu diệt nhau.
Thứ ba, tinh thần chung của cả thế hệ đó là biết thỏa hiệp. Bởi thực ra, họ không thể không thỏa hiệp. Họ hiểu rằng, họ cần một chính quyền chung cho cả dân chúng chứ không phải một chính quyền cho một nhóm nào cả. Như Benjamin Franklin nói: “Tôi không chắc rằng đây có phải là một bản Hiến pháp hoàn hảo không, nhưng tôi cũng không chắc rằng liệu chúng ta có thể làm ra một bản hiến pháp nào hoàn hảo hơn bản hiến pháp này không.”
- Trong câu chuyện về « những người con của thánh thần », có 3 người đã đóng góp rất lớn nhưng cuối cùng lại từ chối kí vào bản Hiến pháp. Và điều tuyệt vời là ngay cả khi từ chối, họ cũng có những lý do hết sức đáng trân trọng...
Đúng thế, đúng thế. Đó là điều tuyệt vời. Randolph, người đề xướng mô hình Virginia đã từ chối kí, với một lá thư hết sức trân trọng, mà người ta có thể cảm nhận trong đó tinh thần xây dựng và chứa chan lòng yêu nước. Hay George Marson viết thư cho con trai « Cha thà chặt cánh tay của mình đi còn hơn là phải ký vào văn bản đó ». Họ từ chối kí vì họ mong muốn một thứ tốt đẹp hơn. Họ cảm thấy những gì họ làm được chưa phải là điều họ có khả năng đóng góp tốt nhất. Họ nghĩ nếu từ chối kí, họ có thể đóng góp tốt hơn cho nước Mỹ. Vì thế việc kí hay không chỉ là bề ngoài. Bản chất sâu xa là hướng tới điều tốt đẹp cho cả xã hội.
- Trong đó còn có cả sự đáng kính ở những người còn lại. Họ chấp nhận sự từ chối đó, cũng với thái độ trân trọng không kém...
Họ tôn trọng ý kiến của nhau - tinh thần đó đã tồn tại từ văn hóa Hy La, cái nôi của văn minh phương Tây… Sau này, họ vẫn hợp tác cùng nhau xây dựng một chính quyền chung bởi « Chính quyền chung là điều mà hết thảy chúng ta đều mong muốn ».
Tranh cãi hay soi chiếu từ một mô hình cứng nhắc của một nước nào đó vào VN đều không chắc mang lại kết quả tốt đẹp. Ảnh: ev-mc.com
Tầm vóc của một dân tộc
- Nhiều người ngợi ca bản Hiếp pháp của Mỹ là vĩ đại. Cái gì làm nên sự vĩ đại đó?Bản thân bản Hiến pháp, những nguyên tắc, kể cả cấu trúc tam quyền phân lập, dù có được thiết kế kĩ đến đâu cũng không thể phát huy hết tác dụng. Nhân tố mang tính quyết định hơn hết là tư duy, trí tuệ, tính nhân bản, tinh thần và tựu chung là tầm vóc của cả một dân tộc.
Năm 1814, sau Mỹ mấy chục năm, Brazil, Argentina, Uruguay cũng soạn cho đất nước của họ những bản hiến pháp tương tự nhưng không hiệu quả. Liên tục sinh ra độc tài, bạo loạn, bất ổn. Gần đây, nơi áp dụng giống Hiến pháp Mỹ là Phillipines, nhưng họ đâu có phát triển bật lên được. Điều quan trọng, then chốt vẫn là tầm vóc của dân tộc, một thế hệ.
- Nhưng những cuộc tranh luận về Hiến pháp, về Quốc hội vẫn tiếp tục, như là nó phải thế...
Thậm chí với một văn bản gần như hoàn hảo như vậy nhưng đến nay, ở nước Mỹ vẫn có những tranh luận về sửa đổi hiến pháp. Hay ở VN, gần đây, có ý kiến cho rằng đại biểu Quốc hội không được kiêm nhiệm, nếu là Bộ trưởng thì không được làm đại biểu... rồi từng có ý rằng nên áp dụng mô hình quốc hội lưỡng viện ở Việt Nam… Nhưng theo tôi, không nhất thiết phải như vậy, không nhất định phải thế này hay thế kia. Vẫn tồn tại nhiều mô hình khác nhau trên thế giới và mỗi mô hình đều có ưu nhược điểm riêng. Điều quan trọng là những ràng buộc, yêu cầu, luật lệ kèm theo để hạn chế những nhược điểm đó và thái độ, tinh thần của những người thực thi. Ví dụ ở Anh, thành viên của Nội các nhất định phải là hạ nghị sĩ… Mô hình Anh khác mô hình Mỹ nhưng cả hai mô hình đều chạy tốt.
Ở ta, nếu gần 500 đại biểu Quốc hội mà không có bộ trưởng, không có những người tham gia vào chính quyền, thì quốc hội sẽ không thể có thông tin. Đại biểu quốc hội phải thực sự gắn với hoạt động xã hội, gắn với hoạt động của chính quyền thì mới nắm được thông tin. Họ phải có năng thực thực thi chứ không chỉ năng lực phản biện… Đại biểu quốc hội của ta không nhất thiết phải là "người bên ngoài" hay "bên trong". Tôi nghĩ thế.
Giống như việc thiết kế một tòa nhà, điều cần bàn và quan trọng là tổng thể kiến trúc của cả ngôi nhà chứ không phải từng căn phòng. Với các thiết kế tòa nhà khác nhau thì các căn phòng sẽ có các thiết kế khác nhau phù hợp với cả tòa nhà, và điều quan trọng là thiết kế cả tòa nhà trước rồi mới đến từng căn phòng.
Tranh cãi hay soi chiếu từ một mô hình cứng nhắc của một nước nào đó vào VN đều không chắc mang lại kết quả tốt đẹp. Như Hamilton viết trong bức thư gửi Hầu tước Lafayette ngày 6 tháng Giêng năm 1799, «Tôi muốn nói là tôi hoàn toàn tán thành Ngài Montessquieu rằng mỗi chính quyền phải phù hợp với từng quốc gia, như thể mỗi chiếc áo hợp với mỗi cá nhân. Vì thế, điều có thể là tốt đẹp ở Philadelphia có thể sẽ là thứ tồi tệ ở Paris, hay trở nên lố bịch ở Saint Petersburgh.»

1 comment:

  1. cái entry này link từ comment của BinhTG link sang tuần tin tức, thấy hay quá nên cóp nhặt ở Tuần tin tức về.

    ReplyDelete